Bệnh Bã Trầu Trên Chanh Dây (Chanh leo)
“Bệnh bã trầu trên chanh dây (chanh leo) là một trong những loại bệnh phổ biến thường gặp ở các vườn chanh leo hiện nay. Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, biểu hiện bệnh rõ nhất là trên trái, bệnh nặng làm trái rụng hàng loạt, ảnh hưởng đến sản lượng thu quả của nhà vườn”.
Bệnh bã trầu chanh dây là gì?
Bệnh bã trầu trên cây chanh dây hay còn có tên gọi khác là đốm dầu, loang dầu… là một trong các loại bệnh thường gặp tại các vườn trồng chanh dây, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm ảnh hưởng đến chất lượng quả, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn nếu phát hiện và xử lý trễ.
Nguyên nhân
Chanh dây bị bã trầu nguyên nhân là do nấm Phytophthora Nicotianae và bội nhiễm tiếp với vi khuẩn Pseudomonas Syringae gây ra.
Triệu chứng
Triệu chứng trên lá
Lá cây chanh dây bị nhiễm nấm bã trầu
Vết bệnh xuất hiện ban đầu trên lá, nụ với các đốm nhỏ sau đó loang rộng như vết dầu và lây lan ra toàn bộ mặt lá. Tâm vết bệnh màu nâu đậm.
Triệu chứng trên quả
Quả chanh dây khi bị nhiễm bệnh
Triệu chứng bệnh trên quả lúc mới chớm là đốm nhỏ rồi nhanh chóng loang trên bề mặt quả trong điều kiện thời tiết ẩm và nóng xen kẽ.
Triệu chứng trên thân dây
- Trên thân dây non: những vết lõm màu xanh đen, mọng nước. Sau đó vết bệnh sẽ phát triển thành màu nâu sáng, có viền rõ ràng với chỗ thân không bị bệnh.
- Trên thân dây già: triệu chứng ban đầu là những đốm nhỏ hình tròn có màu đen, hơi lõm xuống, sau đó vết bệnh lan rộng ra và chuyển sang màu nâu tối, những vết bệnh này bao quanh chồi non, nặng sẽ gây chết dây nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.
Nguồn lây và tác hại
Hình ảnh chanh dây bị nhiễm bệnh bã trầu trên cả lá và quả
Nguồn lây nhiễm bệnh
Bệnh phát sinh và lây lan, gây thiệt hại nặng cho nhà nông trong điều kiện độ ẩm cao, nhất là trong mùa mưa khi thời tiết nắng mưa xen kẽ, đặc biệt lan mạnh hơn trong các vườn không thông thoáng, bón nhiều đạm, phân bón lá.
>> Xem thêm: Một số lưu ý chăm sóc vườn chanh dây vào mùa mưa
Tác hại của bệnh bã trầu
Bệnh phá hủy toàn bộ lá, làm suy giảm quang hợp, gây ra thối lá, thối quả và tốc độ lây lan rất nhanh làm phá hủy vườn cây, suy giảm năng suất thu quả.
Cách phòng bệnh chanh dây bị bã trầu
Phòng bệnh bã trầu trên cây chanh dây (chanh leo)
- Chọn cây giống chanh dây sạch bệnh của các công ty lớn có uy tín trên thị trường.
- Đất trồng phải đảm bảo được xử lý kỹ bằng cách thu dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước, bón vôi bột, cày sâu, phơi ải tối thiểu 20 đến 25 ngày.
- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục có bổ sung nấm đối kháng Tricoderma.
- Duy trì độ PH trong vườn quanh mức 5.5 – 7.
- Cần vệ sinh vườn thường xuyên, loại bỏ lá bệnh và những cành kém hiệu quả để vườn cây thông thoáng.
- Kiểm tra vườn, nếu phát hiện những lá bệnh, tiến hành thu gom, tiêu hủy.
- Bón phân cân đối NPK, nếu ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (1 – 4 tháng sau trồng là phân tổng hợp NPK như 16-16-8, 25-7-7,…), giai đoạn kinh doanh (sau trồng 4 tháng) là phân tổng hợp 3 số (20:20:20; 15:15:15) bổ sung thêm phân Kali và các phân vi lượng như Canxi-Bo, hạn chế bón đạm và phân bón lá trong mùa mưa.
- Giữ thảm cỏ giữa các hàng chanh leo để tránh bốc hơi ẩm từ đất mang theo bào tử nấm và vi khuẩn lây nhiễm bệnh lên cây.
- Làm rãnh thoát nước để vườn không bị đọng nước.
( Lưu ý: Liên hệ Hotline 0269 6568 586 của công ty ngay khi gặp vấn đề cần hỗ trợ )
Cách trị dứt điểm bệnh bã trầu chanh dây
Khi phát hiện bệnh mới chớm, phun luân phiên thuốc có các hoạt chất như Phosphorous acid (Agrifos 400SL), Fosetyl Aluminium (Aliette 80WP; 800WG), Copper oxychloride (COC 85WP), Dimethomorph (Insuran 50WG), Haxaconazole (Anvil 5SC), Propiconazole + Tebuconazole (Dithamegold) theo nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly được ghi trên bao bì của các loại thuốc thương phẩm
Trường hợp vết bệnh nặng, chúng ta cần tiến hành phun thuốc 2 lần, cách nhau mỗi lần phun là 4-6 ngày và quan sát vết bệnh thường xuyên. Nếu vết bệnh khô lại, không loang nhanh như lúc đầu nữa, tức là bệnh đã dừng phát triển, ngừng phun thuốc.
*Lưu ý:
- Khi phun thuốc nhà nông nhớ áp dụng quy tắc 4 đúng: đúng thuốc – đúng nồng độ – đúng liều lượng – cách ly đúng thời gian.
- Cùng 1 hoạt chất nhưng có rất nhiều loại thuốc thương phẩm khác nhau, nhà nông nên tìm hiểu để lựa chọn nhà cung cấp uy tín, chất lượng, giá thành hợp lý.
- Nên tiến hành phun khi bệnh chớm xuất hiện, phun khi sáng sớm hoặc chiều mát trong thời tiết không có gió. Phun liều lượng thuốc theo hướng dẫn sử dụng.
Nội dung trên được khuyến cáo từ nhóm chuyên gia kỹ thuật chanh leo của Nafoods. Nhà nông có thắc mắc về sản phẩm hoặc cần tư vấn kỹ thuật, hãy nhắn tin ngay cho chúng tôi. Đội ngũ tư vấn viên của công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ.
→ Fanpage: Nafoods – Nhà sản xuất giống chanh dây Công Nghệ Cao
→ Nhóm Zalo hỗ trợ kỹ thuật: https://zalo.me/3842933000941287235